Noni (Trái Nhàu): Vị thuốc dân gian chứa nhiều công dụng

Cây Nhàu Là Một Vị Thuốc Dân Gian Quý, Được Mọi Người Sử Dụng Rộng Rãi Trong Điều Trị Các Bệnh Thường Thức. Rễ, Lá, Vỏ Cây Nhàu Đều Là Những Vị Thuốc Có Dược Tính Mạnh; Trong Đó, Quả Nhàu Là Bộ Phận Được Sử Dụng Phổ Biến Nhất Với Công Dụng Hỗ Trợ Điều Trị Các Bệnh Đau Nhức Xương Khớp Do Phong Thấp, Nhuận Tràng, Đái Tháo Đường, Ổn Định Huyết Áp,...

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên tiếng Việt: Quả Nhàu.

Tên khác: Cây ngao; nhàu rừng; nhàu núi; Noni Fruit

Tên khoa học: Fructus Morindae citrifoliae. Họ Cà phê (Rubiaceae).

Đặc điểm tự nhiên

Quả Nhàu là loại quả tụ có nhiều quả đơn dính sát nhau tạo thành. Quả có hình bầu dục hơi thuôn dài, chiều dài khoảng 4 cm đến 8 cm, rộng khoảng 2,5 cm đến 5 cm, cuống dài khoảng 0,5 cm đến 1 cm. Quả dễ rụng khi chín. Quả có màu xanh lục, cứng chắc, mặt ngoài có nhiều mắt hình đa giác sần sùi, mỗi mắt là một quả đơn, bên trong là lớp cơm mềm màu trắng đục bao quanh một hạt hình trứng. Hạt hình trứng dài khoảng 0,5cm đến 1 cm, vỏ ngoài màu nâu bóng, nhân hạt màu trắng, có chứa nhiều dầu béo.

Khi chín, quả chuyển sang màu trắng hoặc vàng nhạt, mềm, mọng nước, dễ bị bã, mùi nồng hơi khai, để lâu ngoài không khí chuyển thành màu nâu đen. Khi phơi khô, lát cắt có hình tròn hay bầu dục, màu nâu đen, thể chất dai, cứng, khó bẻ.

Phân bố, thu hái, chế biến
Cây Nhàu mọc hoang nhiều tại vùng Tây Ấn, Đông Nam Á và Đông Polynesia. Ở nước ta, loài thực vật này phân bố chủ yếu tại các tỉnh thuộc vùng Nam Trung Bộ và Nam Bộ như Quảng Bình, Quảng Trị, An Giang, Bình Dương,…
Quả Nhàu được thu hoạch quanh năm, khi quả già hoặc sắp chín. Sau đó, quả được rửa sạch cắt thành từng khoanh tròn dày khoảng 3 mm đến 5 mm, phơi trong bóng râm, nơi thoáng gió hoặc sấy nhẹ đến khô.
Quả sấy khô được bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát, trong bao bì kín.
Bộ phận sử dụng

Quả già hay quả chín. Có thể dùng tươi hoặc sấy khô.

Thành phần hoá học

Phân tích thành phần hóa sinh trong dịch chiết quả Nhàu gồm có: Cellulose (19,33%), đường khử (5,27%), protein (2,8%) và lipid (8,75%).
Trong quả Nhàu có khoảng 100 hoạt chất hóa học khác nhau như morinda diol, soranjidiol, axit rubichloric, alizarin a-methyl ete và rubiadin 1-methyl ete,...
Hoạt độ của enzyme chống oxy hoá bao gồm: Catalase (C-ase) và Peroxidase (P-ase).
Hoạt độ của enzyme C-ase ở quả Nhàu rất cao đạt 32,626 U/mg protein, đây là loại enzyme chứa sắt xúc tác cho phản ứng phân giải Hydrogen Peroxide (chất oxy hóa mạnh được sản sinh trong quá trình trao đổi chất của cơ thể) thành nước và oxy. Trong hệ thống enzyme antioxidant (enzyme chống oxy hóa) thì C-ase là một trong những enzyme quan trọng nhất. Hoạt độ enzyme này ở quả Nhàu cao hơn so với một số loại thực vật khác như Dứa xanh 2,38 U/mg protein, Dưa leo 3,03 U/mg protein, vỏ Nha đam non 25,33 U/mg protein, củ Gừng 0,06 U/mg protein,...
Hoạt động P-ase của quả Nhàu cũng rất cao (68,818U/mg protein). Loại enzyme chống oxy hóa này cũng góp phần ngăn chặn sự nhiễm độc của tế bào bằng cách phân hủy Hydrogen Peroxide được tạo thành trong quá trình trao đổi chất. Ngoài ra enzyme này còn xúc tác cho các phản ứng oxy hóa nhiều loại polyphenol và amin thơm, tạo thành các sản phẩm khác nhau.
Ngoài ra, quả Nhàu còn có một số chất chống oxy hóa quen thuộc như: Vitamin C khoảng 121 mg/100g, Glutathion dạng khử (GSH) khoảng 2,270 µM/g,... Sự có mặt của Flavonoid trong dịch chiết quả Nhàu thể hiện hoạt tính kháng khuẩn mạnh với các loại vi sinh vật kiểm định. Trong đó đáng chú ý là 2 loại vi khuẩn gồm Staphylococcus aureus và Salmonella typhi.

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Tính vị, quy kinh

Quả Nhàu có vị hăng, cay và nồng, tính mát.
Quy vào kinh Thận, Đại trường.

Công năng, chủ trị

Quả Nhàu có tác dụng nhuận tràng, thông tiện, lợi tiểu, điều kinh, hoạt huyết, hóa ứ, chỉ khái.
Chủ trị: Táo bón, tiểu tiện không thông, điều kinh, trị băng huyết, bạch đới, hạ sốt, chữa ho, hen, đau nhức xương khớp, đau đầu kinh niên. Ngoài ra còn dùng với tính chất tăng cường miễn dịch, tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Theo y học hiện đại

Cải thiện sức khỏe tim mạch

Tăng huyết áp là một trong những vấn đề bệnh lý phổ biến được quan tâm hàng đầu hiện nay. Trên thị trường đã có nhiều chế phẩm có tác dụng hỗ trợ điều trị tăng huyết áp có thành phần được chiết xuất từ các bộ phận của cây Nhàu như rễ, thân, quả,... sự kết hợp của các hợp chất hoạt tính sinh học Rutin và Scopoletin được phát hiện trong lá và quả Nhàu có tác dụng giảm đáng kể áp lực máu gây hạ huyết áp, cải thiện lưu lượng máu tuần hoàn và rối loạn lipid máu.

Giảm ảnh hưởng xấu từ khói thuốc lá và ngăn ngừa ung thư

Khói thuốc lá có nhiều hóa chất gây hại ảnh hưởng đến hệ tim mạch, hô hấp, cũng như mọi tế bào khác của cơ thể do chứa nhiều chất oxy hóa độc mạnh và làm tăng các gốc tự do. Với thành phần giàu chất chống oxy hóa từ quả Nhàu, các nghiên cứu được thực hiện trên những người nghiện thuốc lá nặng cho thấy việc sử dụng khoảng 118ml nước ép quả Nhàu mỗi ngày liên tục trong một tháng có thể làm giảm 30% số lượng gốc tự do trong cơ thể.
Ngoài ra, các polysaccharide được sulfat hóa trong quả này có đặc tính chống ung thư, làm gián đoạn sự tương tác của glycosaminoglycans của một số protein sinh ung, giảm 45% mức độ hóa chất có khả năng gây ung thư phổi ở người hút thuốc lá.

Hỗ trợ hạ đường huyết trên người bệnh đái tháo đường

Các nghiên cứu cho thấy tác dụng làm tăng sự nhạy cảm của insulin trên mô tế bào và thúc đẩy quá trình sản xuất insulin ở tụy, đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định lượng đường huyết ở những người bệnh đái tháo đường. Hiệu quả giảm đáng kể đường huyết và giá trị HbA1c (chỉ số đánh giá lượng glucose gắn với hemoglobin trong các tế bào hồng cầu) sau bốn tuần sử dụng nước ép quả Nhàu đã được các nhà khoa học ghi nhận.
Ngoài ra, Beta-carotene, Vitamin nhóm A, B và các chất chống oxy hóa có trong quả Nhàu sẽ giúp cơ thể sản sinh ra Scopoletin và Nitric oxide, từ đó giúp làm giảm những triệu chứng liên quan đến đái tháo đường, ngăn chặn các biến chứng cấp và mạn tính của căn bệnh này.

Hỗ trợ điều trị đau nhức xương khớp và loãng xương

Dịch chiết quả Nhàu với thành phần Methanolic không chỉ làm tăng biểu hiện tái tạo xương giúp cải thiện tình trạng hủy xương ở người bị loãng xương mà còn làm giảm các hóa chất gây viêm giúp giảm sưng đau trong các bệnh lý thoái hóa cột sống và các khớp, viêm khớp,...

Tăng cường miễn dịch

Các hoạt chất Flavonoid trong quả Nhày kích thích tăng sinh tế bào lympho và tăng sản xuất cytokine (IL-2 và IFN-γ), và kích thích biểu hiện Tyrosine Hydroxylase, các yếu tố tăng trưởng thần kinh và sản xuất Nitric oxide trong tế bào lách giúp tăng cường miễn dịch cơ thể.

Giúp giảm tiêu chảy, chống táo bón

Nước ép quả Nhàu chín vàng sử dụng hằng ngày giúp tăng co bóp của hệ tiêu hóa. Chính vì thế khi bị táo bón, chúng ta có thể uống 2 muỗng nước cốt trái nhàu giúp nhuận tràng và khiến cho việc đi ngoài dễ dàng do sự tăng co bóp của ruột.
Đối với bệnh lý tiêu chảy, bạn có thể sử dụng trái nhàu tươi nướng để ăn. Vị chát của quả Nhàu với nhiều Tanin sẽ giúp triệu chứng đi ngoài của bạn được cải thiện.

Làm đẹp da

Nước ép quả Nhàu là một phương pháp tốt trong việc làm đẹp và chăm sóc da. Các hoạt chất dinh dưỡng trong loại quả này có tác dụng kích thích sản xuất Collagen và ngăn ngừa sự hình thành nếp nhăn trên da.
Bên cạnh đó, các đặc tính chống vi khuẩn và chống viêm của quả Nhàu sẽ hoạt động ở cấp độ tế bào và hiệu quả trong điều trị mụn trứng cá, bỏng, dị ứng da và nổi mề đay.
Ngoài ra, quả Nhàu giàu các acid béo thiết yếu, hỗ trợ ngăn ngừa sự sản sinh các tế bào bất thường, giúp phục hồi cũng như duy trì sự trẻ trung, khỏe mạnh của làn da.

Nguồn tham khảo

  • Nguyễn Công Đức (2017). Thuốc Nam. Nhà xuất bản Thanh niên, Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 118-123.
  • Phạm Thiệp, Lê Văn Thuần (2000). Cây thuốc, bài thuốc và biệt dược. Nhà xuất bản Y học, Hà nội, tr. 221-228.
  • Barrie Cassileth (2010). Noni (Morinda citrifolia). Oncology (Williston Park); 24(11), pp.1061.
  • Brett J West, Shixin Deng, Fumiyuki Isami, et al. (2018). The Potential Health Benefits of Noni Juice: A Review of Human Intervention Studies. Foods; 11;7(4), pp.58.
  • Édipo S Almeida, Débora de Oliveira, Dachamir Hotza (2019). Properties and Applications of Morinda citrifolia (Noni): A Review. Compr Rev Food Sci Food Saf; 18(4), pp.883-909.
  • Olivier Potterat, Matthias Hamburger (2007). Morinda citrifolia (Noni) fruit - phytochemistry, pharmacology, safety. Planta Med;73(3), pp.191-9